Kiểm định phòng nổ theo qui định Việt Nam

Yêu cầu:

Ngày 30 tháng 12 năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội ban hành Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH về Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, trong đó có bao gồm các thiết bị điện phòng nổ:

  • Máy biến áp phòng nổ.
  • Động cơ điện phòng nổ.
  • Thiết bị phân phối, đóng cắt phòng nổ (khởi động từ, khởi động mềm, Aptomat, máy cắt điện tự động, biến tần, rơ le dòng điện rò).
  • Thiết bị Điều khiển phòng nổ (bảng Điều  khiển, hộp nút nhấn).
  • Máy phát điện phòng nổ.
  • Cáp điện phòng nổ.
  • Đèn chiếu sáng phòng nổ.

Danh mục các thiết bị này sẽ được quản lý bởi Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, và việc kiểm định kỹ thuật an toàn  lao động sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương (theo phụ lục Ib, nghị định số 44/2016/NĐ-CP).

Trước đó, vào ngày 13 tháng 07 năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-BCT về Qui định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động (được sửa đổi bổ sung sau này theo Thông số 12/2020/TT-BCT), qui định các thiết bị điện phòng nổ được sử dụng trong môi trường có nguy cơ cháy, nổ thuộc đối tượng kiểm định nhóm H.

Vậy nên tất cả các thiết bị điện phòng nổ được sử dụng trong môi trường có nguy cơ cháy, nổ đều phải được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

 

Đối tượng áp dụng:

Là các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sở hữu và sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Các tổ chức, các nhân này phải có trách nhiệm:

  • Thực hiện kiểm định tại Tổ chức kiểm định đã được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện.
  • Duy trì các điều kiện để máy, thiết bị vận hành an toàn.
  • Báo cáo tình hình thực hiện kiểm định về Sở Công Thương nơi lắp đặt máy, thiết bị trước ngày 05 tháng 01 hàng năm.

 

Qui trình kiểm định:

Ngày 26 tháng 7 năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 10/2017/TT-BCT về quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, trong đó có 18 qui trình kiểm định chi tiết cho từng hạng mục thiết bị.

Cũng theo các Qui trình kiểm định này thì thiết bị cần được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, kiểm định định kỳ, và kiểm định bất thường.

 

Thời hạn kiểm định (đối với thiết bị điện phòng nổ):

Kiểm định lần đầu: Trước khi đưa vào sử dụng lần đầu.

Kiểm định định kỳ: 03 năm/lần (Trường hợp thiết bị thuộc dây chuyền đang vận hành không thể tách rời kiểm định riêng thì thời hạn kiểm định định kỳ theo chu kỳ bảo dưỡng, sửa chữa của dây chuyền nhưng không quá thời hạn quy định của nhà sản xuất hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng).

Kiểm định bất thường: Những trường hợp phải kiểm định bất thường: Thiết bị sau sửa chữa lớn có thay đổi các kết cấu phòng nổ và mạch điện mà tính năng phòng nổ phụ thuộc thì phải kiểm định theo các yêu cầu kỹ thuật của các tiêu chuẩn và quy chuẩn hiện hành.

 

Tiêu chuẩn kiểm định (đối với thiết bị điện phòng nổ):

QCVN 01:2011/BCT: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò

TCVN 7079: Thiết bị điện dùng trong mỏ hầm lò

TCVN 10888: Khí quyển nổ

TCVN 7279-9:2003: Thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ

TCVN 6613-1: 2000: Thử nghiệm cáp điện trong điều kiện cháy

Tiêu chuẩn quốc tế tương đương là IEC 60079

Ghi chú: Tiêu chuẩn TCVN 7079 chỉ áp dụng cho các thiết bị điện phòng nổ nhóm I (sử dụng trong mỏ than hầm lò), khi kiểm định đánh giá thiết bị điện phòng nổ nhóm II (không sử dụng trong mỏ than) và nhóm III (bụi cháy) thì áp dụng các tiêu chuẩn loạt TCVN 10888 và IEC 60079.

 

Tổ chức kiểm định:

Danh mục các tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được đăng trên website của Bộ Công Thương theo như đường link:

https://moit.gov.vn/to-chuc-kiem-dinh

Đối với các thiết bị điện phòng nổ, chỉ có các tổ chức có phạm vi kiểm định nhóm H mới có chức năng kiểm định.